Thông tin sách

Những Người Đắc Thắng Của Đức Chúa Trời

Tác giả: Watchman Nee
Dịch từ bản tiếng Anh: God's Overcomers
ISBN: 0-7363-0433-9
Mua sách tại:

Đang đọc: Chương 5

Untitled Document

CHƯƠNG NĂM

ĐÃ ĐƯỢC LÀM CHO CHẾT ĐỐI VỚI LUẬT PHÁP

Kinh Thánh: La. 7:4, 15-19

La Mã chương 7 là một chương rất quen thuộc đối với chúng ta. Không những chúng ta quen đọc, mà còn quen thuộc với chương ấy trong kinh nghiệm của mình nữa. Chúng ta thường đọc La Mã chương 7 và thường thực hành La Mã chương 7. Hôm nay Chúa muốn tôi nói về phương cách để được giải cứu khỏi sự đòi hỏi của luật pháp, tức là cách được giải cứu khỏi chính mình.

AI CÓ THỂ NHẬN ĐƯỢC SỰ GIẢI CỨU CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Trước khi nói về vấn đề giải cứu và phương cách được giải cứu, trước hết tôi xin đề cập đến một điều kiện. Người như thế nào mới đủ điều kiện để nói về sự giải cứu? Anh chị em ơi, mặc dầu sự giải cứu của Đức Chúa Trời dành cho mọi người, nhưng không phải ai cũng được giải cứu. Mặc dầu mọi người đều có thể được giải cứu khỏi luật pháp, nhưng không phải ai cũng thật sự được giải cứu. Nan đề tuyệt đối không ở nơi Đức Chúa Trời mà ở nơi con người, vì con người không muốn được giải cứu và không trả giá để được giải cứu. Vị sứ đồ viết La Mã chương 7 cuối cùng đã được giải cứu vì ông đã trả giá; ông ghét một điều gì đó và ông muốn làm một điều gì đó. Nan đề lớn nhất mà ngày nay chúng ta phải đương đầu là chúng ta chưa được giải cứu. Nhưng tôi muốn hỏi rằng sâu xa trong lòng chúng ta có ghét tánh nóng nảy mà mình chưa thể đắc thắng không? Chúng ta có ghét một cách sâu xa cái tội đã gây cho mình vấp ngã và những điều làm cho mình vấp phạm luôn luôn không?

Hay chúng ta muốn nói rằng phạm tội là một điều gì đó quen thuộc đối với mọi Cơ Đốc nhân và vì vậy đó là điều không thể tránh được? Chúng ta có cảm thấy ghét những tư tưởng ô uế, những hành động tội lỗi, tánh nóng nảy còn vướng vấn, và những dục vọng xấu xa không, và chúng ta có tìm cách để được giải cứu khỏi chúng không? Vị sứ đồ không những nói về sự giải cứu trong chương này mà còn nói về cảm xúc của ông trước khi mình được giải cứu. Trước khi được giải cứu, ông ghét những gì mình phạm đi phạm lại. Ông không làm điều mình muốn, mà làm điều mình ghét. Câu hỏi đầu tiên là chúng ta yêu hay ghét những điều mình đang làm. Vị sứ đồ kinh nghiệm sự giải cứu vì ông ghét chúng cách sâu xa và hết lòng tìm sự giải cứu. Ông chán ghét đời sống tội lỗi của mình đến nỗi không còn có thể dung chịu được; ông ghét nó đến nỗi ông cảm thấy muốn chết. Ông không muốn cho phép nó tiếp tục một giây phút nào nữa. Ông kinh nghiệm sự giải cứu vì ông đã có một quyết tâm như vậy.

Anh chị em ơi, anh chị em có đói khát ở bề trong như vậy không? Anh chị em có bao giờ nói mình không thể tiếp tục sống một cuộc đời bị cột trói và vướng mắc với tội không? Anh chị em có bao giờ nhận biết một cuộc sống như vậy đáng ghét như thế nào không? Anh chị em ơi, lời mà Đức Chúa Trời giao cho tôi nhiệm vụ nói ra sáng hôm nay chỉ dành cho những người muốn được giải cứu và xét rằng đời sống Cơ Đốc của họ đang ở một mức độ quá thấp kém. Lời tôi nói không dành cho những người tự mãn và hài lòng sống trong tội và trong sự thất bại. Những lời này dành cho những người tìm kiếm sự giải cứu mà chưa tìm được con đường. Lời này không dành cho những người nghĩ rằng mình nổi nóng, tham dục hay có những tư tưởng bất khiết thì không sao, cũng không dành cho những người nghĩ mình chỉ cần xưng tội khi thất bại thì mọi sự đều ổn thỏa ngay khi Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi mình. Sự đắc thắng trong La Mã chương 7 dành cho những người kinh nghiệm sự thất bại giống như những thất bại trong La Mã chương 7. Tất cả những ai chưa được cứu không thể kinh nghiệm sự giải cứu này. Chỉ những ai ghét lối sống hiện tại và không muốn tiếp tục sống như vậy mới có thể kinh nghiệm sự đắc thắng này. Những ai sống trong thất bại và tội lỗi, không nhận biết mình phải từ bỏ những điều ấy, thì sẽ không bao giờ thấy sự giải cứu của Đức Chúa Trời đến với mình.

Người nào muốn được tăng trưởng về mặt thuộc linh trong đời sống mình trước mặt Đức Chúa Trời, trước hết người ấy phải không thỏa mãn với cuộc sống hiện tại của mình. Mọi sự tăng trưởng bắt đầu bằng tình trạng không thỏa lòng. Một người phải bị ép đến mức độ cảm thấy mình không thể tiếp tục như vậy được nữa, mình đã đến đường cùng, và không thể chấp nhận cuộc sống của mình. Người ấy phải suy xét rằng tiếp tục bị bản ngã, thế gian, và tội cột trói là điều không thể chấp nhận được. Người ấy không thể chấp nhận tình trạng không làm được những gì mình muốn mà lại làm những điều mình ghét. Người ấy phải nhận biết một đời sống mâu thuẫn như vậy không thể tiến tới được và phải có lối thoát. Đức Chúa Trời chỉ ban sự giải cứu của Ngài cho những ai sống trong tình trạng này. Vì vậy chúng ta có một nhu cầu lớn lao trước mặt Đức Chúa Trời là xin Ngài ban cho chúng ta ân điển để không hài lòng với đời sống tội lỗi và thất bại của mình. Mọi đắc thắng đều bắt đầu bằng việc nhận thức tình trạng thất bại và gian ác của mình. Mọi người ao ước được giải cứu trước hết phải bị áp lực đến nỗi cảm thấy mình không thể tiến lên được. Chỉ khi ấy chúng ta mới kinh nghiệm được sự giải cứu. Tôi chỉ nói lên phương cách; thật ra sự giải cứu chỉ đến từ Đức Chúa Trời. Nói cách khác, trong khi tôi bày tỏ ánh sáng, chỉ có Đức Chúa Trời mới ban khải thị cách trực tiếp. Ánh sáng không thể cứu; chỉ có khải thị mới cứu được.

Ý NGHĨA CỦA TÌNH TRẠNG ĐƯỢC GIẢI CỨU KHỎI LUẬT PHÁP

La Mã chương 7 là một chương quan trọng, chúng tôi không thể bàn mọi sự về chương ấy hôm nay. Chúng tôi chỉ đề cập đến câu 4. Trong câu này, điều đầu tiên được nhắc đến là: “Cho nên, anh em tôi ơi, anh em đã được làm cho chết đối với luật pháp”. Nói cách khác, chúng ta chết đối với luật pháp. Anh em ơi, chúng ta có nhận biết rằng mình cần được giải cứu khỏi luật pháp không? Nếu tôi nói chúng ta cần được giải cứu khỏi tội, mọi người đều hiểu vì tội là điều đáng ghét, và được giải cứu khỏi tội là điều đúng đắn. Nếu tôi nói chúng ta cần được giải cứu khỏi thế gian, mọi người đều hiểu vì thế gian đã đóng đinh Chúa chúng ta và nó thật gian ác. Nếu tôi nói chúng ta cần được giải cứu khỏi chính mình, mọi người cũng hiểu vì xác thịt là điều xấu xa. Nếu tôi nói chúng ta cần được giải cứu khỏi sự ô uế hay sự phóng đãng, chúng ta vẫn hiểu. Nhưng nếu tôi nói chúng ta cần được giải cứu khỏi luật pháp, có lẽ vài người sẽ nói họ thấy không cần sự giải cứu này. Nếu vị sứ đồ nói chúng ta cần được giải cứu khỏi bản ngã, chúng ta nói: “A-men”. Nếu ông nói chúng ta cần được giải cứu khỏi thế gian hay tội, chúng ta lại đáp: “A-men”. Nhưng khi ông nói chúng ta đã được giải cứu khỏi luật pháp hay chúng ta đã chết đối với luật pháp, chúng ta không biết phải phản ứng thế nào. Chúng ta nhận biết những gì vị sứ đồ nói thì không thể sai, nhưng chúng ta không hiểu tại sao ông lại nói như vậy. Chúng ta hiểu sự giải cứu khỏi tội, khỏi bản ngã, và khỏi thế gian. Nhưng chúng ta không thể hiểu lý do tại sao phải giải cứu khỏi luật pháp. Tại sao vị sứ đồ bảo chúng ta rằng chúng ta được giải cứu khỏi luật pháp và chúng ta chết đối với luật pháp? Sự giải cứu có liên quan gì đến luật pháp? Có liên quan rất nhiều. Sự giải cứu khỏi luật pháp liên quan rất nhiều đến sự giải cứu khỏi thế gian, tội, và bản ngã. Vì vậy, đó là một vấn đề rất quan trọng.

Anh chị em ơi, nếu chúng ta ao ước kinh nghiệm sự giải cứu, điều rất quan trọng là chúng ta cần nhận biết Đức Chúa Trời không còn hi vọng gì nơi chúng ta. Nếu tìm kiếm sự giải cứu, trước hết chúng ta cần hiểu chính mình và nhận biết tình trạng vô vọng của mình. Chúng ta phải thấy rõ Đức Chúa Trời đánh giá chúng ta ra sao và chúng ta tự đánh giá mình thế nào. Tất cả chúng ta đều thuộc về Đấng Christ; chúng ta là của Ngài. Có lẽ chúng ta đã là Cơ Đốc nhân nhiều năm rồi, nhưng tôi e rằng chúng ta đã sống một cuộc đời thất bại và thường vấp ngã, sa sút. Nhưng điều gì xảy ra sau mỗi lần thất bại? Sau mỗi lần thất bại, hầu hết mọi người đều quyết tâm tự nhủ: “Lần tới tôi sẽ khá hơn và không thất bại nữa”. Mỗi lần thất bại, anh em đau lòng và tự lên án mình, câu hỏi ấy lại dấy lên một lần nữa: “Tại sao tôi lại làm như vậy? Tại sao tôi lại thất bại? Tôi là một tín đồ, tôi không nên làm như vậy. Thật là tệ quá!” Anh em trở nên nản lòng. Đối với hầu hết mọi người, sự thất bại dẫn đến hai hậu quả. Trước hết anh em quyết định lần tới mình sẽ tốt hơn. Thứ hai, anh em cảm thấy hối tiếc và thở than, nhìn lại những gì mình đã làm và tự hỏi tại sao mình tệ như vậy. Đó là điều anh em luôn luôn làm. Khi thất bại, anh em hỏi với tấm lòng tan nát: “Sao tôi lại có thể ngã nặng như vậy? Tôi sẽ không bao giờ tái phạm điều này. Chúa ơi, xin cứu con khỏi điều này!” Kinh nghiệm của anh em tương tự với La Mã chương 7. Trước khi một trường hợp đau lòng qua đi, một trường hợp đau lòng khác lại đến. Quyết tâm lần trước không hiệu quả, nhưng anh em vẫn thấy mình một lần nữa lại hạ quyết tâm. Điều này cứ tái diễn mãi và sự việc vẫn không khả quan hơn. Đó là tình trạng của anh em. Lý do tại sao? Lý do là vì anh em chưa được giải cứu khỏi luật pháp, chưa thấy luật pháp là gì, và chưa thấy được giải cứu khỏi luật pháp nghĩa là gì.

Nếu muốn hiểu giải cứu khỏi luật pháp nghĩa là gì, trước hết anh em phải hiểu mối liên hệ giữa chúng ta với luật pháp. Luật pháp là sự đòi hỏi của Đức Chúa Trời đối với xác thịt chúng ta. Luật pháp là Đức Chúa Trời bảo chúng ta nên làm hay không nên làm một điều gì. Đó là điều Đức Chúa Trời nói liên quan đến những gì chúng ta cần phải làm và không được làm. Đó là những gì Đức Chúa Trời cấm hoặc ra lịnh chúng ta phải làm. Do đó, luật pháp là sự đòi hỏi của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Tóm lại, luật pháp là tất cả các đòi hỏi Đức Chúa Trời đặt trên những người ở trong A-đam và là tất cả các mạng lịnh Đức Chúa Trời ban ra cho những ai ở trong A-đam, truyền bảo những gì họ nên làm và những gì họ không được làm. (Đức Chúa Trời làm điều này để minh chứng sự bại hoại và tình trạng vô vọng của xác thịt). Không những Đức Chúa Trời đặt chúng ta dưới luật pháp, nhưng trong A-đam, chúng ta còn tự đặt mình dưới luật pháp, hi vọng rằng mình có thể làm hài lòng Đức Chúa Trời. Chúng ta đặt ra những qui định mình phải giữ, nói rằng: “Tôi nên làm điều này. Tôi không nên làm điều kia”. Ngoài những mạng lịnh Đức Chúa Trời truyền bảo chúng ta, chúng ta còn tự đặt cho mình nhiều mạng lịnh nghiêm khắc y như những mạng lịnh Đức Chúa Trời đã ban ra. Do đó, Đức Chúa Trời đặt những đòi hỏi của Ngài trên chúng ta và chúng ta cũng tự đặt những mạng lịnh trên chính mình. Điều này có nghĩa là chúng ta vẫn còn hi vọng nơi những điều thuộc A-đam, nghĩ rằng mình có thể cải thiện, phấn đấu để tiến bộ và đắc thắng. Anh chị em ơi, Đức Chúa Trời đã đặt chúng ta dưới luật pháp, đồng thời chúng ta cũng tự đặt mình dưới luật pháp.

Được giải cứu khỏi luật pháp nghĩa là gì? Ấy là hoàn toàn mất hi vọng nơi chính mình. Không những chúng ta nên hoàn toàn tuyệt vọng về mình, mà còn cần phải không hi vọng gì cả. Đừng bao giờ hi vọng bất cứ điều gì nơi chính mình nữa. Đó là cách được giải cứu khỏi luật pháp. Đức Chúa Trời cho chúng ta phạm tội ngày này qua ngày khác để làm cho chúng ta nhận biết mình bại hoại và ô uế, không thể cải thiện được. Chúng ta không thể đắc thắng, và không thể giữ luật pháp. Chúng ta không thể được cứu giúp; chúng ta hoàn toàn vô dụng, và không tiến bộ. Đức Chúa Trời muốn chúng ta nhận biết rằng lý do Ngài đóng đinh chúng ta trên thập tự giá, tức điều Ngài đã làm trong Đấng Christ, là bởi vì chúng ta bại hoại quá mức, không thể hi vọng gì nữa. Khi kể mình là vô vọng và nhận biết Đức Chúa Trời kể chúng ta là vô vọng, thì chúng ta chỉ còn đứng nơi vị trí Đức Chúa Trời ban cho mình. Đức Chúa Trời nói rằng chúng ta bại hoại tận cốt lõi và vô vọng. Chúng ta cần nói y như vậy, rằng mình bại hoại tận cốt lõi và vô hi vọng. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là phạm tội. Chúng ta không ấp ủ một hi vọng nào về chính mình nữa. Đó là ý nghĩa của sự giải cứu khỏi luật pháp. Thật là một sự giải cứu lớn lao biết bao! Phương cách giải cứu duy nhất là xem chính mình là vô vọng.

Lần trước, khi ở tại Ca-na-đa, tôi gặp một ông G. nọ. Ông ấy là một người tốt và cũng xuất sắc trong việc rao giảng phúc âm. Đức Chúa Trời dùng ông để cứu nhiều tội nhân. Bây giờ ông đã già, trên sáu mươi tuổi. Một ngày kia chúng tôi đi bộ nói chuyện ngoài đường, và câu chuyện dẫn đến đề tài này. Ông nói đó là bài học chúng tôi cần rao giảng cho người khác luôn luôn. Tôi hỏi ông có ý nói gì, và ông bắt đầu thuật cho tôi câu chuyện của mình: “Khi còn là một tín đồ trẻ tuổi, tôi rất nhiệt thành. Tôi muốn hầu việc Chúa thật tốt, tiến bộ, và tự làm cho mình tốt. Nhưng sự việc luôn luôn đi ngược lại lòng mong ước của tôi. Càng cố gắng, tôi càng tệ hơn, và càng nhận biết mình không thể làm gì được. Tôi thất vọng và hoang mang. Tôi không tìm được giải pháp nào cả. Ngày kia, một anh em nói với tôi: ‘Ông G. ơi, Đức Chúa Trời không bao giờ ấp ủ mối hi vọng mà ông đang ấp ủ về chính mình. Ông hi vọng về mình quá nhiều, nhưng Đức Chúa Trời không hi vọng gì nơi ông cả!’ Tôi rất ngạc nhiên và hỏi anh ấy Đức Chúa Trời nói gì về tôi. Anh đáp: ‘Đức Chúa Trời biết ông không có năng lực và không làm được gì cả. Tình trạng của ông là vô vọng. Đó là lý do vì sao Ngài đóng đinh ông trên thập tự giá. Ông chỉ đáng bị đóng đinh và không có gì khác’. Từ ngày đó, dường như vảy cá rơi khỏi mắt tôi. Tôi thấy Đức Chúa Trời không đòi hỏi gì nơi tôi cả, và tôi thấy mình không thể làm gì được. Đó là lý do vì sao Ngài đóng đinh tôi trên thập tự giá. Nếu như vậy, tại sao tôi còn phải chiến đấu?”

Anh chị em ơi, trên lý thuyết và theo giáo lý chúng ta biết rất rõ sự sống A-đam cũ kỹ không thể sửa chữa và không thể chữa trị được. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là trong kinh nghiệm mình, chúng ta vẫn cố gắng sửa chữa và cải thiện nó; chúng ta vẫn ấp ủ hi vọng về sự sống A-đam. Nhiều người nói: “Tôi ngạc nhiên vì mình vẫn phạm một tội như vậy!” Nhưng tôi nói rằng chúng ta nên ngạc nhiên khi mình không còn phạm một tội như vậy! Có tội nào mà chúng ta không thể phạm? Chúng ta có thể phạm bất cứ tội nào; gốc rễ của tội ở trong chúng ta. Đức Chúa Trời kể chúng ta là vô hi vọng và không thể cải tạo. Đó là lý do vì sao Ngài đóng đinh chúng ta trên thập tự giá. Khi Chúa chết, chúng ta cũng chết. Việc Đức Chúa Trời đóng đinh chúng ta trên thập tự giá là sự đánh giá của Ngài về chúng ta. Trên thực tế, Đức Chúa Trời muốn nói chúng ta chỉ đáng chết và bị hủy diệt.

Anh chị em ơi, sự đánh giá của chúng ta về chính mình khác với sự đánh giá của Đức Chúa Trời về chúng ta biết bao. Chúng ta nghĩ mình có thể làm một điều gì đó. Chúng ta nghĩ mình có thể đắc thắng, thánh khiết, và tiến bộ. Nhưng Đức Chúa Trời không ấp ủ một hi vọng nào như vậy. Từ đỉnh đầu đến gót chân, chúng ta chỉ là tội; chúng ta tuyệt đối vô dụng. Không có cách nào cứu chúng ta ngoại trừ con đường chết. Không có sự chết, không thể có sự giải cứu. Chúng ta luôn luôn nghĩ vẫn còn có cơ hội để cải thiện và đắc thắng. Nhưng không hề có điều đó. Ngày nay chúng ta thấy sự thật thứ nhất, đó là sự đánh giá của Đức Chúa Trời về chúng ta, Ngài nghĩ chúng ta đáng giá bao nhiêu. Anh chị em ơi, những ai thấy điều này đều được phước trước những người khác. Vô số Cơ Đốc nhân đã kinh nghiệm nhiều lần vấp ngã, bị ô uế, thất bại, thất vọng và từng trải con đường tuyệt vọng trước khi thấy rằng Đức Chúa Trời tuyệt đối không hi vọng gì nơi họ. Chúng ta càng sớm thấy sự thật này càng tốt, vì đó là khởi điểm của mọi sự giải cứu. Mọi sự tuôn đổ sự sống thật đều bắt đầu ở đây. Chúng ta cần phải thấy mình không đáng gì hơn là đáng chết. Càng sớm thấy điều này, chúng ta càng mau tăng trưởng. Toàn bộ vấn đề tùy thuộc chúng ta nhìn sự sống A-đam cũ như thế nào. Chúng ta biết và đã đề cập đến điều này hàng trăm lần: sự sống cũ của A-đam không thể sửa chữa và không thể thay đổi. Nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta thật sự thấy mình đáng chết? Có bao nhiêu người thấy ngoài sự chết ra, không có con đường nào khác. Hiểu giáo lý là một việc, biết và thấy là một việc khác. Giáo lý chỉ có thể làm cho chúng ta hiểu một điều gì đó trong tâm trí, nhưng thấy đòi hỏi phải có sự khải thị trong linh chúng ta. Mọi điều nào không đến từ sự khải thị của Đức Chúa Trời mà từ sự nhìn thấy của chúng ta đều là những điều không đáng kể, không có hiệu quả gì.

Ý nghĩa của việc được giải cứu khỏi luật pháp là được giải cứu khỏi những đòi hỏi của Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa là chúng ta không còn chút hi vọng nào làm đẹp lòng Đức Chúa Trời; điều này đến do chúng ta hiểu sự sống của A-đam và công tác của Đấng Christ. Chúng ta không còn hi vọng làm một điều gì hài lòng Đức Chúa Trời. Một khi còn hi vọng dùng nỗ lực riêng để làm vui lòng Đức Chúa Trời, thì chúng ta chưa được giải cứu khỏi luật pháp, và chúng ta sẽ không thể tránh khỏi tình trạng đau lòng và thất vọng. Cách duy nhất để tránh thất vọng là nhận biết Đức Chúa Trời không còn hi vọng gì nơi chúng ta.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC GIẢI CỨU KHỎI LUẬT PHÁP

Trước hết chúng ta đã thấy mình cần được giải cứu khỏi luật pháp. Nhưng làm thế nào chúng ta được giải cứu khỏi luật pháp? Cách duy nhất là chết. Sự chết có thể giải cứu chúng ta khỏi luật pháp vì một khi chúng ta còn sống, luật pháp còn đòi hỏi chúng ta. Một người sống không được phạm luật vì luật pháp sẽ hình phạt người ấy. Đó là điều Phao-lô nói, hễ chồng còn sống, thì luật pháp còn đòi hỏi người vợ. Tuy nhiên, nếu chồng chết, quyền lực của luật pháp không đụng đến người vợ và sẽ không đòi hỏi gì nơi người vợ. Vì vậy, để được giải cứu khỏi đòi hỏi của luật pháp, không có cách nào ngoại trừ ra là chết. Hễ chúng ta còn sống, thì luật pháp còn tiếp tục đòi hỏi chúng ta.

Bây giờ tôi sẽ không nói về luật pháp của Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta như thế nào; tôi chỉ nói về chúng ta tự đòi hỏi mình như thế nào bằng luật do chính chúng ta ban hành. Chúng ta làm điều này khi nào? Hôm nay nếu dậy trễ, chúng ta quyết tâm ngày mai sẽ dậy sớm. Chúng ta hạ quyết tâm phải đắc thắng khi mình rất ô uế, khi chiến đấu ngày đêm với tội, khi sống giữa thế gian thác loạn, và khi cảm thấy đời sống mình rất sai trật. Chúng ta nghĩ mình có thể làm được điều đó, rằng mình thực hiện được điều đó và mình sẽ làm điều đó. Bằng cách ấy, chúng ta cho là mình vẫn còn sống. Nhưng khi làm như vậy, chúng ta sẽ không thấy công tác rõ ràng của Đấng Christ bên trong mình. Nếu thật sự biết Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ nhận thức rằng Ngài hoàn toàn mất hi vọng về chúng ta. Đó là lý do vì sao Ngài không có sự lựa chọn nào khác hơn là đóng đinh chúng ta vào thập tự giá. Nếu thật sự thấy mình chỉ đáng chết, mọi quyết tâm của chúng ta sẽ ra đi. Tôi có thể nói điều này cho chính mình. Nhiều lần tôi đã quyết tâm không bao giờ làm điều này, điều kia nữa. Nhưng sau đó tôi lại tự vấn: “Ngươi không đáng chết sao? Nếu ngươi đáng chết, tại sao ngươi vẫn còn quyết tâm?” Vì vậy, chúng ta phải thấy phương cách đắc thắng không phải là quyết tâm mà là đứng trên nền tảng Đức Chúa Trời đã đặt mình. Chúng ta không nên ấp ủ hi vọng rằng lần tới mình sẽ tốt hơn. Thay vào đó, chúng ta chỉ đứng trên nền tảng Đức Chúa Trời đã đặt mình. Chúng ta không nên quyết tâm gì nữa, cũng không nên hi vọng mình sẽ tiến bộ. Chúng ta không nên phấn đấu để đắc thắng vì biết rằng mọi điều ấy là công việc của sự sống A-đam cũ kỹ. Chúng ta phải đặt chúng vào chỗ chết và làm ngơ chúng đi. Nếu thật sự đứng ở chỗ chết, chúng ta sẽ đắc thắng và kinh nghiệm sự giải cứu khỏi mọi điều ấy. Vì vậy, chết là con đường duy nhất của chúng ta; đó là con đường cứu rỗi độc nhất. Thế gian, tội, bản ngã không điều gì có thể đụng đến một người chết. Nếu chúng ta kể mọi điều ấy đã chết, chúng sẽ không đụng đến chúng ta nữa.

ĐÃ CHẾT TRONG ĐẤNG CHRIST

Bây giờ chúng ta sẽ đi thêm một bước để xét xem mình đã chết như thế nào. Câu 4 nói: “Cho nên, anh em tôi ơi, anh em cũng đã được làm cho chết đối với luật pháp nhờ thân thể của Đấng Christ”. Qua câu Kinh Thánh này chúng ta thấy sự chết của chúng ta là “nhờ thân thể của Đấng Christ”. Đấng Christ chết như thế nào thì chúng ta chết như thế ấy. Thời điểm Đấng Christ chết là thời điểm chúng ta chết. Đấng Christ đã chết, và chúng ta cũng đã chết. Đây không phải là sự tự tử thuộc linh, mà qua đó một cách giả tạo chúng ta kể chính mình đã chết. Cũng không phải sự tự kỷ ám thị là mình đã chết, với nỗ lực nhắc nhở chính mình rằng mình đã chết. Nhưng khi thấy sự kiện đã hoàn tất của Đấng Christ trên thập tự giá và nhận biết Đức Chúa Trời đã bao hàm chúng ta trong sự chết này của Đấng Christ, chúng ta được dẫn đến một kết luận không thể chối cãi là mình đã chết. Trên thế giới này có hai kinh nghiệm thuộc linh kỳ diệu nhất. Thứ nhất là nhìn thấy kế hoạch của Đức Chúa Trời, tức là những gì Đức Chúa Trời hoạch định cho chúng ta và những gì Đức Chúa Trời nghĩ chúng ta nên làm. Chẳng hạn như Ngài đánh giá rằng chúng ta đã chết. Thứ hai là nhìn thấy những gì Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta trong Đấng Christ. Hai điều này rất kỳ diệu. Chúng ta thấy những gì Đức Chúa Trời đã định cho mình, chúng ta thấy thế nào mình đã trở nên một với Đấng Christ, và thấy trong Ngài, mình có thể nhận được tất cả những gì Ngài đã hoàn thành. Khi Jesus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá, chúng ta được bao hàm trong sự chết của Ngài vì Đức Chúa Trời đã bao hàm chúng ta trong Ngài. Khi thân thể của Ngài vỡ ra, chúng ta cũng vỡ ra. Sự đóng đinh của Ngài là sự đóng đinh của chúng ta. Vì vậy, chúng ta và Đấng Christ là một. Đó là lý do vì sao chúng ta chú ý đến vấn đề báp-têm. Nhiều người nói báp-têm chỉ là nghi thức bên ngoài và không quan trọng. Không, báp-têm hoàn toàn là lời chứng về một điều gì đó ở bề trong. Chúng ta tin khi Đấng Christ chết, chúng ta cũng chết. Việc đầu tiên sau một cái chết là chôn cất và đó là lý do vì sao chúng ta chôn mình trong nước báp-têm. Nếu không tin mình đã chết, chúng ta không muốn bị chôn. Sự kiện chúng ta muốn được chôn có nghĩa là chúng ta tin mình đã chết. Vì vậy, báp-têm là tin rằng Đấng Christ đã chết và chúng ta cũng đã chết. Đó là lý do vì sao chúng ta chôn mình. Chôn là bằng cớ chúng ta đã chết. Đấng Christ đã bị đóng đinh. Khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá, chúng ta cũng được bao hàm trong Ngài. Khi bức màn bị xé ra, chê-ru-bim cũng bị xé ra. Bức màn bị xé từ trên xuống dưới; ấy là Đức Chúa Trời đã xé bức màn từ trên xuống dưới. Đồng thời chê-ru-bim cũng bị Đức Chúa Trời xé từ trên xuống dưới vì chê-ru-bim được thêu trên bức màn. Chúng ta biết bức màn là thân thể của Đấng Christ, còn chê-ru-bim là tạo vật của Đức Chúa Trời. Vì vậy, khi Đấng Christ chết, cả cõi thọ tạo của Đức Chúa Trời cũng chết. Đó là ý nghĩa của việc chết đối với luật pháp nhờ thân thể của Đấng Christ.

Phương cách giải cứu không phải là cố ý kể mình đã chết. Những ai giảng dạy giáo lý về việc kể mình đã chết là giảng một sự dạy dỗ sai lầm. Thế nào là sự dạy dỗ đúng đắn? Sự dạy dỗ đúng đắn là kể chính mình đã chết trong Đấng Christ. Chúng ta không chết trong chính mình, mà chết nhờ thân thể của Đấng Christ. Đấng Christ chết, và vì chúng ta liên kết với Ngài, nên chúng ta cũng chết. Bí quyết đắc thắng là không bao giờ nhìn vào mình tách rời với Đấng Christ và không bao giờ xem xét bản ngã là điều vốn ở bên ngoài Đấng Christ. Đó là điều Chúa muốn nói trong Giăng chương 15 khi Ngài phán chúng ta nên tiếp tục ở trong Ngài. Điều này có nghĩa là chúng ta đừng bao giờ nhìn vào chính mình tách rời với Đấng Christ. Những gì ở bề ngoài vẫn xấu xa và không thể cải thiện. Nếu muốn nhìn chính mình, chúng ta chỉ được nhìn mình trong Đấng Christ. Một khi nhìn chính mình ngoài Đấng Christ, ngay lập tức chúng ta sẽ thất bại. Nhiều lần chúng ta quên những sự kiện Đấng Christ đã hoàn thành. Chúng ta nổi giận, chán nản về chính mình và hỏi tại sao mình lại như vậy.

Chúng ta tiếp tục thất bại, sa ngã và chịu đựng tình trạng thất vọng, dẫn đến sự nản lòng. Xin hãy nhớ rằng đó là những gì một người làm bên ngoài Đấng Christ. Ngày nay, trong Đấng Christ, tôi đã chết đối với luật pháp. Nếu ai chưa nhận được sự giải cứu và sự tự do này, tôi xin mời anh em ấy hãy nhìn chính mình trong Đấng Christ. Trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã đóng đinh chúng ta vì Ngài đánh giá rằng chúng ta không thể sửa đổi. Không có cách nào cứu chúng ta ngoài ra là chết. Vì vậy Đức Chúa Trời phán xét chúng ta phải chết, và Ngài cũng đã đóng đinh chúng ta trong Đấng Christ. Vì vậy chúng ta được tự do và được giải cứu khỏi những đòi hỏi của luật pháp. Ở đây có hai sự kiện mà chúng ta phải tuyệt đối đứng trên đó. Điều đầu tiên là Đức Chúa Trời kể chúng ta là hoàn toàn vô vọng. Chỉ có sự chết mới có thể giải cứu chúng ta khỏi luật pháp. Điều thứ hai là trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã đóng đinh chúng ta trên thập tự giá. Điều thứ nhất liên quan đến kế hoạch của Đức Chúa Trời, trong khi điều thứ hai liên quan đến công tác của Đức Chúa Trời. Điều thứ nhất là những gì Đức Chúa Trời đã định, trong khi điều thứ hai là những gì Đức Chúa Trời đã hoàn thành. Đức Chúa Trời biết không có cách cứu rỗi nào khác hơn là nhờ sự chết. Chúng ta đã bị đập vỡ làm nhiều mảnh, và không có cách nào lại trở nên nguyên vẹn. Nền tảng sự cứu chuộc của chúng ta nằm tại đây ấy là thập tự giá. Vì lý do ấy, trong đời sống hằng ngày, chúng ta nên luôn luôn chấp nhận sự thật này để có thể được giải cứu khỏi luật pháp. Nếu đứng trên nền tảng này, chúng ta sẽ không thấy sự ngăn trở. Dĩ nhiên chúng ta sẽ nhận tội và xin Đức Chúa Trời tha thứ khi chúng ta thất bại. Nhưng chúng ta không cần phải nhìn lui, vì mọi sự thất bại và suy thoái đều đến từ sự sống A-đam cũ. Theo mắt loài người, không có gì tốt hơn là xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để không phạm lại điều tương tự. Nhưng theo mắt Đức Chúa Trời, làm như vậy là thừa, vì nếu chúng ta đã chết trong Đấng Christ, không cần phải quyết tâm gì nữa. Chúng ta đã chết; lịch sử của chúng ta đã không còn nữa, và mọi ý kiến, quyết định cũng chấm dứt. Người ta luôn luôn nghĩ rằng hạ quyết tâm là điều tốt. Nhưng đó là những cây sậy, chúng không thể đánh kẻ thù và chúng tuyệt đối vô dụng trước mặt Đức Chúa Trời.

ĐƯỢC LIÊN KẾT VỚI SỰ SỐNG PHỤC SINH CỦA ĐẤNG CHRIST

Đến đây, những gì chúng ta đã thấy là Đức Chúa Trời đã đóng đinh chúng ta vào thập tự giá với Đấng Christ. Tuy nhiên, riêng điều này thì chưa đủ; cần có điều gì hơn nữa. Ấy là chúng ta “được liên kết với người khác, là Đấng đã từ người chết sống lại, để chúng ta kết quả cho Đức Chúa Trời”. Không những về phương diện tiêu cực chúng ta cần được giải cứu, mà về phương diện tích cực chúng ta còn cần một sự liên kết. Không có điều này, công tác của chúng ta vẫn vô ích. Vì lý do ấy, không những về mặt tiêu cực Đức Chúa Trời đã đóng đinh chúng ta vào thập tự giá, mà Ngài cũng đã liên kết chúng ta, là những người đã được giải cứu khỏi luật pháp, với Đấng Christ phục sinh. Vì vậy một mặt có lối ra, mặt khác có lối vào. Một mặt có sự phân cách, mặt khác có sự liên hiệp. Một mặt chúng ta được giải cứu khỏi luật pháp, mặt khác chúng ta được liên kết với Đấng Christ và thuộc về Đấng Christ. Đó là sự phục sinh mà chúng ta đã nói đến. Hơn nữa, đó không phải là một điều có tính cách cá nhân; sự phục sinh đem tất cả những người con vào trong vinh quang. Giăng 12:24 nói: “Hạt lúa mì nếu không rơi xuống đất và chết đi, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả nhiều”. Ban đầu chỉ có một sự sống. Bây giờ sự sống ấy đã vào trong nhiều hạt giống. Ban đầu chỉ có một cơ cấu hữu cơ. Bây giờ đã có nhiều cơ cấu hữu cơ. Ban đầu chỉ có một hạt lúa mì. Bây giờ hạt lúa mì ấy đã trở nên nhiều hạt lúa mì. Cũng vậy, khi Đấng Christ chết, Ngài ban phát sự sống Ngài cho mọi tín đồ. Trong Đấng Christ cũng có hai sự kiện. Thứ nhất là chúng ta đã được bao hàm trong sự chết của Đấng Christ. Khi Đấng Christ chết, chúng ta cũng chết. Thứ hai là chúng ta đã được phục sinh với Đấng Christ. Đức Chúa Trời đã ban phát sự sống của Ngài cho chúng ta. Đó là điều mỗi một người tái sinh đều được dự phần và sở hữu. Tôi không muốn nói nhiều về điều này; điểm tôi muốn nhấn mạnh là sự kiện thứ nhất.

Là những người được phục sinh trong Đấng Christ, chúng ta phải kết quả để tôn vinh Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta sự sống của Đấng Christ. Nhờ đó chúng ta có thể sống bày tỏ sự sống của Ngài. Hạt lúa mì được gieo trồng giống y như ba mươi, sáu mươi hay một trăm hạt sẽ mọc lên. Nếu chúng ta trồng lúa mạch, chắc chắn không phải lúa mì hay dưa leo mọc lên. Trồng loại gì sẽ mọc lên loại ấy; không có gì thay đổi cả. Nếu chúng ta trồng lúa mì, chắc chắn lúa mì sẽ mọc lên. Như vậy làm thế nào chúng ta sống một đời sống giống như đời sống Đấng Christ, một đời sống kết quả để tôn vinh Đức Chúa Trời? Chỉ có một cách; chúng ta phải để Đấng Christ sống bày tỏ ra qua chúng ta và để cho Ngài sống. Không những Đấng Christ chết cho chúng ta trên thập tự giá, mà Ngài còn sống cho chúng ta bên trong chúng ta. Làm thế nào chúng ta sống đời sống của Đấng Christ? Cách duy nhất có thể thực hiện điều ấy là để Đấng Christ ban sự sống Ngài cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải có sự sống của Đấng Christ trước khi có thể kết quả để tôn vinh Đức Chúa Trời.

Hôm nay tôi đã trình bày cho anh em những điều này trước mặt Đức Chúa Trời. Nguyện chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời không hi vọng gì nơi chúng ta và Ngài kể chúng ta là vô phương chữa trị. Mặc dầu chúng ta nghĩ còn có hi vọng và sức mạnh trong mình, nhưng Đức Chúa Trời không hi vọng gì nơi chúng ta cả. Ngài đã đóng đinh chúng ta trên thập tự giá. Bất cứ khi nào chúng ta ở ngoài Đấng Christ và cảm thấy mình vẫn còn sống và có khả năng, ngay lập tức chúng ta sẽ vấp ngã. Vì vậy chúng ta chỉ có thể thấy chính mình trong Đấng Christ. Khi chúng ta ở trong Đấng Christ, chỉ có hai sự thật: chúng ta đã chết và đã sống lại. Phần được phục sinh ở trong Đấng Christ. Vì vậy, Đức Chúa Trời muốn chúng ta sống bởi sự sống của Ngài. Đồng thời mọi sự ở trong A-đam đều đã chết. Nếu nắm được sự thật này, thì chúng ta chết đối với luật pháp. Xin ghi nhớ rằng không những chúng ta chết đối với thế gian, bản ngã và tội; chúng ta cũng chết đối với luật pháp. Bằng cách ấy, chúng ta sẽ không còn hi vọng gì nơi chính mình mà sẽ đứng vững chắc ở vị trí Đức Chúa Trời đã đặt chúng ta.