Untitled Document
CHƯƠNG MỘT
NHỮNG BÀI GIẢNG
CHUẨN BỊ CHO HỘI ĐỒNG NGƯỜI ĐẮC THẮNG
LẦN THỨ BA
(Dàn Bài Bốn Sứ Điệp
Được Giảng Vào Ngày 22 và 23 Tháng Giêng Năm 1934)
(1)
SỰ THEO ĐUỔI CỦA NHỮNG NGƯỜI HẦU VIỆC CHÚA
Kinh Thánh: Êxc. 44:9-26, 28, 31; Lu. 17:7-10
Sự Khác Biệt Giữa Công Tác Cho Chúa
Và Hầu Việc Chúa
Chúa muốn chúng ta hầu việc Ngài nhiều hơn là công tác cho Ngài. Phục vụ Chúa và hầu việc trước bàn của Chúa là hai điều khác nhau. Công tác cho Chúa và hầu việc Chúa là hai điều khác nhau. Cày ruộng và chăn bầy thì khác với hầu việc trong sự hiện diện của chủ.
Những việc các con trai Lê-vi làm thì khác với những việc các con trai Xa-đốc làm. Người Lê-vi phục vụ Chúa ở sân ngoài; họ giết các sinh tế trước mặt dân chúng và phục vụ vì lợi ích của dân chúng. Các con trai Xa-đốc phục vụ bàn Chúa ở bên trong Nơi Thánh và hầu việc Chúa bằng cách dâng mỡ và huyết. Công việc của người Lê-vi ở sân ngoài thì dễ trông thấy. Còn công việc của các thầy tế lễ trong Nơi Thánh thì có tính cách kín giấu. Ở sân ngoài, một người phục vụ người ta. Trong Nơi Thánh, một người phụng sự Chúa. Sự phục vụ ở sân ngoài trông có vẻ là hầu việc Chúa nhưng thật ra rất khác với sự hầu việc Chúa trong nhà.
Nhiều người thích sử dụng bắp thịt mình ở sân ngoài. Họ thích giúp người ta khiêng và giết những sinh tế, nhưng họ không muốn hầu việc Chúa trong Nơi Thánh. Nhiều người thích chạy quanh bên ngoài; họ thích cứu tội nhân, gây dựng thánh đồ và phục vụ các anh em. Nhưng Chúa muốn chúng ta theo đuổi sự hầu việc chính Ngài.
Công tác của Đức Chúa Trời có sự thích thú và lôi cuốn riêng. Thật có những sự lôi cuốn của xác thịt trong công tác của Đức Chúa Trời. Nhiều người thích chạy quanh và làm việc vì đó là điều xác thịt họ có khuynh hướng muốn làm. Bên ngoài, họ đang cứu tội nhân và phục vụ các anh em, nhưng thật ra, họ đang phục vụ xác thịt mình và những ý thích riêng của mình. Sau khi đọc Ê-xê-chi-ên chương 44, một tín đồ, là người đã vượt qua bức màn và đang ở bên kia bức màn, cầu nguyện như vầy: “Chúa ơi, nguyện con phụng sự Ngài hơn là phục vụ nhà [Ngài]!”
Phụng Sự Chúa Trong Nơi Thánh
“Họ sẽ đến gần Ta để phụng sự Ta” (Êxc. 44:15). Ở sân ngoài, chúng ta đến gần loài người. Trong Nơi Thánh chúng ta đến gần Chúa. Chúng ta có thể theo Ngài “xa xa” (Mat. 26:58), nhưng không thể phụng sự Chúa xa xa. Để có thể hầu việc Chúa, một người phải đến gần Ngài. Lời cầu nguyện đem một người đến gần Chúa là lời cầu nguyện ban sức mạnh cho người ấy. Người ấy cũng cần sử dụng sức mạnh của mình.
“Và họ sẽ đứng trước mặt Ta” (Êxc. 44:15). Không những một người phải đến gần Chúa, mà người ấy còn phải đứng trước mặt Ngài. Nhiều người không thể đứng và chờ đợi. Đứng là chờ lệnh. Tất cả những ai không thể đứng và chờ đợi trước mặt Chúa đều không thể phụng sự Ngài. Chúng ta có hai loại tội lỗi. Một là nhận mạng lịnh mà không vâng theo; đó là nổi loạn. Hai là không nhận được mạng lịnh nào cả nhưng vẫn làm một điều gì đó; ấy là tự phụ (Thi. 19:13). Đây không phải là vấn đề tốt hay xấu nhưng là có hay không có mạng lịnh của Đức Chúa Trời. Những điều tốt có thể phá hoại các tín đồ rất nhiều; chúng là kẻ thù lớn đối với ý chỉ của Đức Chúa Trời. Ở sân ngoài, người ta nhận mạng lịnh từ những người dâng sinh tế. Trong Nơi Thánh người ta nhận mạng lịnh từ Đức Chúa Trời.
“Dâng cho Ta mỡ và huyết” (Êxc. 44:15). Sự công chính và thánh khiết của Đức Chúa Trời đầy dẫy Nơi Thánh, và vinh hiển Ngài đầy dẫy Nơi Chí Thánh. Huyết là vì sự công chính và sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, trong khi mỡ là vì vinh hiển Ngài. Vinh hiển là chính Đức Chúa Trời. Sự thánh khiết là bản chất của Đức Chúa Trời, trong khi sự công chính là phương thức hành động của Đức Chúa Trời, là đường lối Ngài. Huyết có tại đó để tha thứ tội lỗi; huyết làm thỏa mãn sự công chính và sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, và làm cho chúng ta có thể đến với Đức Chúa Trời. Mỡ để làm thỏa mãn chính Đức Chúa Trời. Huyết xử lý cõi sáng tạo cũ, trong khi mỡ là vì cõi sáng tạo mới. Khi Chúa đổ huyết Ngài ra, có nghĩa là Ngài đổ ra tất cả sự sống thiên nhiên của Ngài. Ngày nay Chúa có thịt và xương (Lu. 24:39), nhưng không có huyết. Ngài không có một giọt huyết nào. Mỗi ngày chúng ta phải học từ chối sự sống thiên nhiên của mình trước mặt Chúa; đó là phương diện của huyết. Đồng thời, chúng ta phải dâng sự sống phục sinh, đó là phương diện của mỡ (La. 6:13).
“Họ sẽ vào trong nơi thánh Ta” (Êxc. 44:16). Ở trong nơi thánh là ở trong sự hiện diện của Chúa. Chúng ta rất sợ ở trong nơi thánh vì nếu ở trong nơi thánh, chúng ta dễ bị hiểu lầm, bị vu khống và bị phê phán. Nhưng chúng ta phải ở trong nhà Chúa. Chúng ta không hẹp hòi; lòng chúng ta mở rộng và mong muốn mạnh mẽ. Trong Các Thư Tín của mình, Phao-lô nói ông quyết định làm vui lòng Chúa (2 Cô. 5:9). Chúng ta phải theo đuổi việc phụng sự Chúa hơn là phục vụ Chúa.
“Họ sẽ không mặc y phục bằng len” (Êxc. 44:17). “Họ sẽ không thắt lưng mình bằng vật gì làm đổ mồ hôi” (c. 18). Mồ hôi là tình trạng bị rủa sả (Sáng. 3:19). Đổ mồ hôi là không được ban phước mà phải lao khổ bởi xác thịt. Một người có thể đổ mồ hôi khi giết bò và chiên ở sân ngoài. Nhưng người ấy không thể đổ mồ hôi khi phụng sự Chúa trong Nơi Thánh. Một người có thể sử dụng sức mạnh thuộc linh trước mặt Chúa, nhưng không được đổ mồ hôi. Các ủy ban, những cuộc thảo luận và những sự cổ động đều thuộc lãnh vực đổ mồ hôi. Công tác thuộc linh thì chạm đến một mình Đức Chúa Trời, trong khi công tác xác thịt thì chỉ đụng đến con người. Một công tác càng thuộc linh thì càng ở bề trong. Nhưng công tác của xác thịt thì hoàn toàn ở bề ngoài.
Đức Chúa Trời không ra lệnh cho mọi người Lê-vi phụng sự Ngài trong Nơi Thánh. Ngài chỉ ra lệnh cho các con trai Xa-đốc phụng sự Ngài trong Nơi Thánh mà thôi. Đức Chúa Trời mời gọi loài người phụng sự Ngài trong Nơi Thánh. Ngài muốn con người gìn giữ Nơi Thánh của Ngài, từ đó chiếu sáng ra, và phân rẽ những điều thánh với những điều tầm thường, những điều tinh sạch với những điều ô uế. Công vụ các Sứ đồ 13:1-3 cho chúng ta biết khi “họ phụng sự Chúa và kiêng ăn”, thì Thánh Linh sai họ đi làm công tác truyền giáo hải ngoại. Công tác hải ngoại của chúng ta nên bắt đầu bằng việc phụng sự Chúa. Chúa tìm kiếm những người hầu việc được tuyển mộ, Ngài không tìm kiếm những người hầu việc tình nguyện. Sách Hê-bơ-rơ nhấn mạnh hai điều: chúng ta phụng sự Đức Chúa Trời bên trong bức màn, và chịu sự sỉ nhục của Chúa bên ngoài doanh trại.
Phụng Sự Ngài Sau Khi Công Tác
Trong Lu-ca 17:7-10, “cày” là rao giảng phúc âm, trong khi “chăn chiên” là chăm sóc các tín đồ. “Hầu việc Ta” có nghĩa là một người phải phụng sự Chúa sau khi công tác. “Ăn và uống” là nhớ lại và vui thích về kết quả của công tác mình; chúng ta phải để cho Chúa “ăn uống” trước khi chúng ta ăn uống. Kết quả công tác của chúng ta trước hết phải làm thỏa lòng Chúa trước khi làm thỏa lòng chúng ta. Sau khi đã công tác, chúng ta không nên ăn, uống và vui hưởng; trái lại chúng ta nên nói: “Chúng con chỉ là các nô lệ vô ích”. “Hãy thắt lưng và hầu việc Ta” có nghĩa là sau khi công tác, một người vẫn phải tỉnh thức để phụng sự Chúa. Nguyện chúng ta theo đuổi việc phụng sự Chúa. Công tác ở ngoài đồng không tốt bằng sự phụng sự trong Chúa, cánh đồng và bầy chiên không tốt bằng chính Chúa.
(Sáng ngày 22 tháng giêng năm 1934)
NHỮNG BÀI GIẢNG
CHUẨN BỊ CHO HỘI ĐỒNG NGƯỜI ĐẮC THẮNG
LẦN THỨ BA
(2)
SỰ SỐNG KÍN GIẤU
Kinh Thánh: Nhã. 4:12; Ôs. 14:5-7; Mác 4:5-6, 16-17
Một Đời Sống Nông Cạn
Mác chương 4 nói về tình trạng lòng người và lòng người tiếp nhận lời Chúa như thế nào. Chương này không chỉ áp dụng cho những tội nhân nghe phúc âm, mà cũng áp dụng cho các tín đồ tiếp nhận lời gây dựng mình.
Loại đời sống nào đẹp lòng Chúa và bền vững? Tại sao một số người thất bại hay thối lui nửa chừng? Tại sao rất ít người theo Chúa suốt đường? Ban đầu một số người rất vui lòng từ bỏ mọi sự để dâng chính mình cách trọn vẹn cho Chúa và đi theo Ngài. Nhưng khi gặp một điều gì đó trên đường trái ý mình, họ quyết định không theo Chúa nữa. Nếu anh em chưa bao giờ được Chúa xử lý hay chưa dâng mình cách trọn vẹn cho Ngài, thì sẽ có ngày Chúa đem anh em đến chỗ mình không muốn đến, và anh em sẽ từ chối sự lựa chọn của Ngài. Giá quá cao đối với anh em và anh em sẽ thấy mình không thể trả. Đó là lý do vì sao anh em phải được Chúa xử lý cho đến khi anh em hoàn toàn dâng mình để vác thập tự giá đi theo Ngài suốt đường. Tất cả những ai thối lui hay thất bại nửa chừng đều là những người có đất nông cạn.
“Mọc lên” (Mác 4:5). Lời này chỉ về những người đã tiếp nhận lời và đã thực hiện bước khởi đầu ở bề ngoài. Tuy nhiên kết quả không tốt vì không có rễ; khi mặt trời mọc lên, nó bị cháy sém và khô héo đi. Mỗi một lời đều đem theo hoạn nạn và sự bắt bớ. Đức Chúa Trời chuẩn bị hoàn cảnh phía sau mỗi lời Ngài để thử nghiệm xem chúng ta có nhận lãnh lời ấy cách đúng đắn không. Mặt trời là dấu hiệu tột bực về tình yêu của Chúa. Thập tự giá không những phân chia những tội nhân được cứu với những tội nhân hư mất, mà còn phân rẽ những tín đồ đắc thắng với những tín đồ thất bại nữa. Sự khô hạn thuộc linh đến vì một người tranh luận với Đức Chúa Trời và đánh bại Ngài bằng cách cho phép chính mình thắng. Chị Barber từng nói: “Chắc chắn Chúa sẽ bẻ tất cả những cái bánh trong tay Ngài”. Nhiều lúc chúng ta tự đặt mình trong tay Chúa, rồi đồng thời cầu nguyện riêng: “Xin Chúa đừng bẻ con!”
Tại sao những hạt rơi nhằm chỗ có đá mọc lên nhanh chóng, rồi cũng héo nhanh chóng? Trước hết, chúng “không lấp sâu dưới đất” (c. 5). Tất cả những ai sống trong hoàn cảnh của mình hay cảm xúc của mình đều là những người ở trong chỗ đất không sâu. Những ai sâu xa đều sống vượt trên hoàn cảnh của mình; họ từ chối cảm xúc mình và sống trong Chúa. Họ nhận lãnh sự cung ứng, hỗ trợ và quyền năng của Đức Chúa Trời vượt quá hoàn cảnh của mình. Thứ hai, họ không có rễ. Những ai sống theo bề ngoài giống như thân cây, nhưng những ai sống theo bề trong giống như rễ cây. Rễ chỉ về sự sống ẩn giấu và bí mật. Chúa nói chúng ta phải đóng cửa lại và cầu nguyện nơi kín nhiệm (Mat. 6:6). Đức Chúa Trời sẽ thấy chúng ta, chứ không nghe chúng ta ở nơi kín nhiệm ấy. Đời sống nguy hiểm nhất là đời sống chỉ ở trước mặt loài người. Đời sống an toàn nhất là đời sống ở trước mặt Đức Chúa Trời. Những ai được Đức Chúa Trời xử lý cách ẩn mật, là những người có rễ sâu, sẽ đắc thắng mọi hoạn nạn và bắt bớ. Thứ ba, có đá dưới đất. Trên bề mặt thì chỗ nào cũng giống chỗ nào. Nhưng bên dưới thì khác; có đá ở bên dưới. (1) Đá là tấm lòng cứng cỏi (Hê. 3:15). Nếu muốn nghe lời Chúa, chúng ta không thể làm cứng lòng mình hay có những thành kiến riêng. Những người mà bản ngã vẫn ẩn giấu bên trong và chưa được Chúa phá vỡ thì không thể có rễ sâu. (2) Đá cũng là những tội lỗi giấu kín. Hễ những tội lỗi này chưa được cất đi, thì rễ không thể đâm sâu. Chỉ có những ai run rẩy trước lời Đức Chúa Trời và yếu ớt như những đứa bé thì mới lớn lên. Chúa phải đập nát những tấm lòng cứng cỏi và những thành kiến của con người. Ngài có thể cỡi trên con lừa con chưa từng có ai cỡi, và Ngài có thể xử lý những người chưa từng vâng lời Ngài.
Sự Sống Ở Nơi Sâu Thẳm
Ô-sê 14:5-7 đề cập đến Li-ban ba lần: (1) hoa huệ so với Li-ban, (2) cây ô-liu so với Li-ban, và (3) cây nho so với Li-ban. Trên cả thế giới, cây có rễ sâu nhất là cây tuyết tùng của Li-ban. Chúng ta nên đi xuống và đâm rễ ở những nơi sâu; chúng ta nên hướng sự tăng trưởng của mình theo chiều sâu.
Mặc dầu hoa huệ trông xinh xắn, nhưng chúng mọc nơi đồng hoang. Chúng ta là hoa huệ trong thung lũng, chứ không phải trong chậu. Chúng ta không được người làm vườn chăm sóc, nhưng được Đức Chúa Trời chăm sóc. Chúng ta không tiếp nhận sự cung ứng từ loài người nhưng từ một mình Đức Chúa Trời. Mưa từ trời đang tưới mát chúng ta, và chúng ta được Đức Chúa Trời nâng đỡ.
Vẻ đẹp của cây ô-liu không ở nơi hoa của chúng mà ở nơi những trái chứa dầu. Chúng ta nên kết trái của Linh.
Hoa nho rất nhỏ. Trước khi người ta có thể khám phá ra nó, thì nó đã biến thành trái nho. Hoa là để kết trái, chứ không phải để [khoe] vẻ đẹp.
Sự Sống Kín Giấu
Nhã Ca 4:12 đề cập đến “vườn đóng kín”. Đó là một khu vườn, không phải công viên. Vườn ấy đóng kín, không mở ra. Bên trong khu vườn là hoa quả. Những điều chúng ta có dành cho một mình Chúa nên được đóng lại. Mọi điều chúng ta có ở bề trong chỉ nên dành cho một mình Chúa. Như vậy, chúng cần được đóng lại.
“Mạch đóng lại, suối niêm phong”. Theo bản Kinh Thánh Chinese Union, mạch được dịch là giếng. Giếng là do con người làm ra, trong khi suối thì thiên nhiên. Giếng có đó để phục vụ con người, trong khi suối ở đó để nhận lãnh từ Đức Chúa Trời. Giếng hướng về con người, trong khi suối hướng về Đức Chúa Trời. Mặc dầu chúng ta hướng về con người và để con người sử dụng, nhưng chúng ta được “đóng lại”, và chờ đợi Chúa mở chúng ta ra và sử dụng chúng ta. Mặc dầu chúng ta hướng về Đức Chúa Trời và ở đây để nhận lãnh từ Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta được “niêm phong”. Chúng ta nên được đóng lại với cả Đức Chúa Trời lẫn loài người. Chúng ta nên để cho thập tự giá làm công tác sâu xa hơn trong chúng ta và xử lý bản ngã mình, để chúng ta có thể có sự sống sâu hơn. Chúng ta nên duy trì một sự sống kín giấu trước mặt Đức Chúa Trời.
(Chiều ngày 22 tháng giêng)
NHỮNG BÀI GIẢNG
CHUẨN BỊ CHO HỘI ĐỒNG NGƯỜI ĐẮC THẮNG
LẦN THỨ BA
(3)
ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC TĂNG TRƯỞNG THUỘC LINH
Kinh Thánh: 2 Vua. 4:1-6; Mat. 5:6; Lu. 1:53
Lý Do Không Tăng Trưởng
Lý do duy nhất khiến các tín đồ thất bại và thiếu tăng trưởng trước mặt Đức Chúa Trời là (1) không biết chính mình và (2) không biết sự đầy trọn của Chúa. Tại một hội đồng ở Keswick, một Cơ Đốc nhân nói rằng tất cả những thất bại của các tín đồ đều do hai lý do này.
Điều Kiện Duy Nhất Để Tăng Trưởng
Điều kiện duy nhất để được phước của Đức Chúa Trời, được tăng trưởng thuộc linh, hay kinh nghiệm sự đầy đủ của Chúa là phải trống không. Chúng ta phải thường xuyên nhận thức mình vốn đầy dẫy chính mình, và chúng ta cũng cần phải thường xuyên làm cho mình trống không khỏi tình trạng đầy dẫy chính mình. Chỉ có những ai đói khát mới được làm cho đầy dẫy những điều tốt (Lu. 1:53). Tất cả ân điển thuộc linh của Đức Chúa Trời chỉ dành cho những người đói khát.
Thứ tự của công tác Thánh Linh trong chúng ta trước hết là tạo nên một ước muốn trong lòng để chúng ta đi đến tình trạng không thỏa mãn với đời sống hiện tại của mình. Bước đầu của sự thối lui là tình trạng thỏa mãn, và bước đầu của sự tiến bộ là tình trạng không thỏa mãn. Trước hết Thánh Linh thực hiện công tác làm cho trống không rồi sau đó Ngài thực hiện công tác đổ đầy. Đức Chúa Trời làm cho chúng ta trống không để Ngài đổ đầy chúng ta. Làm cho trống không là phương tiện của Đức Chúa Trời, trong khi làm cho đầy dẫy là mục tiêu của Ngài. Để làm cho chúng ta trống không, Thánh Linh dồn chúng ta vào chân tường và cho phép chúng ta đương đầu với những cuộc khủng hoảng. Mọi khó khăn đều do Thánh Linh sắp đặt nhằm mục đích khiến chúng ta theo đuổi Ngài cách sâu xa hơn. Chúng ta không thể dựa vào chiến thắng Giê-ri-cô để đánh trận A-hi. Chúng ta không thể áp dụng chiến thắng vẻ vang hôm qua cho một trận chiến nhỏ nhặt hôm nay. Những kinh nghiệm quá khứ không thể đáp ứng cho các nhu cầu hiện tại. Đức Chúa Trời không bao giờ bảo chúng ta ăn ma-na của ngày hôm qua. Tạ ơn Đức Chúa Trời vì chúng ta có những cơn khủng hoảng! Nhờ Thánh Linh, Đức Chúa Trời đã tạo nên những cơn khủng hoảng trong hoàn cảnh và đời sống chúng ta. Ngài cho phép chúng ta thất bại khi chúng ta cố gắng đối phó với những cơn khủng hoảng hiện tại bằng các kinh nghiệm của quá khứ. Thất bại tạo nên nhu cầu và tạo nên một ước ao tươi mới trong chúng ta. Đức tin không bao giờ sao y lại những điều của quá khứ. Chúng ta không thể bắt chước công việc đức tin của các tín đồ trong quá khứ; chúng ta chỉ có thể bắt chước đức tin của họ. Vì các môn đồ đã thấy Chúa nuôi năm ngàn người bằng năm ổ bánh, và bốn ngàn người bằng bảy ổ bánh, lẽ ra họ phải hiểu sâu xa hơn rằng Ngài có thể làm cho họ no đủ dầu họ không có ổ bánh nào. Họ không biết Chúa cách sâu xa hơn. Đó là lý do vì sao họ nói: “Đó là vì chúng ta không đem bánh” (Mat. 16:7). Đức Chúa Trời sắp đặt hoàn cảnh cho chúng ta để chúng ta biết Chúa nhiều hơn, biết chính mình nhiều hơn, và biết sự hư không của bản ngã. Ngài cho phép chúng ta thất bại để chúng ta có thể nhận biết sự trống rỗng và vô dụng của mình. Trên thập tự giá, Đức Chúa Trời đã vô hiệu hóa con người của chúng ta.
Phương Cách Được Đổ Đầy
2 Các Vua 4:1-6 nói: “Bấy giờ có một người đàn bà nọ, là vợ của con trai các tiên tri kêu than với Ê-li-sê rằng: Đầy tớ ông, là chồng tôi, đã qua đời; và ông biết đầy tớ ông thật kính sợ Chúa. Chủ nợ đến đòi bắt hai đứa con tôi làm nô lệ. Ê-li-sê nói với bà: Tôi sẽ làm gì cho bà? Xin cho tôi biết, bà có gì trong nhà? Bà đáp: Đầy tớ gái ông không có gì trong nhà ngoài ra một bình dầu. Rồi ông nói: Hãy đi ra ngoài, mượn bình của những người hàng xóm, ngay cả bình không, đừng mượn ít. Khi bà vào [nhà] với các con, hãy đóng cửa lại, rồi đổ dầu vào các bình đó, bình nào đầy thì để qua một bên. Vậy, bà đi khỏi ông, vào nhà với các con trai mình mà đóng cửa lại, chúng đem bình đến cho bà; và bà rót dầu vào. Khi các bình đã đầy, bà nói với con mình: Hãy đem cho mẹ một bình nữa. Nhưng nó nói với mẹ: Không còn bình nào cả. Và dầu ngừng [chảy]”.
1. Chuẩn Bị Những Bình Trống
Người đàn bà nợ nần vì chồng bà nghèo nàn. Nhưng bà có một bình dầu. Bình dầu này là vật liệu cơ bản. Chính bình dầu này đã giúp bà trả nợ và cung ứng nhu cầu hằng ngày của mình. Bà cần những bình trống. Ê-li-sê ra lệnh cho bà chuẩn bị những bình không, và đừng chuẩn bị ít. Do A-đam, chúng ta đã trở nên nghèo nàn. Nhưng ngợi khen Chúa, chúng ta có Thánh Linh. Điều đang thiếu là những bình trống không để Linh đổ đầy. Sự thật không phải chúng ta không thể được đổ đầy, mà là chúng ta không có những bình trống không để Thánh Linh hành động. Thánh Linh chỉ đổ đầy những bình trống không. Để tiến bộ về phương diện thuộc linh, chúng ta phải liên tục trống không để liên tục được đổ đầy. Không phải trống không một lần rồi vẫn đầy dẫy mãi mãi. Từng hồi từng lúc, chúng ta cần được làm trống không nhiều hơn để được đổ đầy nhiều hơn.
2. Đóng Cửa
Một người phải đối diện với Thánh Linh cách riêng tư trong nơi kín nhiệm. Xác thịt phải bị nhốt bên ngoài, và Thánh Linh khóa cửa bên trong. Khi nào một người gặp nan đề, người ấy phải đi đến nơi kín đáo để đối diện với Thánh Linh. Khi đối diện với Thánh Linh, các nan đề trong cuộc sống chúng ta được giải quyết.
3. Dầu Ngưng Chảy
Khi Không Còn Bình Trống
Dầu ngưng chảy vì không còn bình trống. Sự đổ đầy ngưng lại khi không còn sự trống không. Nếu có sự trống không vô hạn, sẽ có sự đổ đầy vô hạn. Ê-sau là con người tự mãn đầu tiên. Cuối cùng ông trở thành một người trống rỗng. Chúng ta nên liên tục làm cho mình trống không, thay vì làm cho mình trống không chỉ một lần. Chúng ta nên liên tục làm cho mình trống không để có thể liên tục được đổ đầy. Chúng ta chịu trách nhiệm về việc làm cho trống không, còn Thánh Linh chịu trách nhiệm đổ đầy.
(Sáng 23 tháng giêng)
NHỮNG BÀI GIẢNG
CHUẨN BỊ CHO HỘI ĐỒNG NGƯỜI ĐẮC THẮNG
LẦN THỨ BA
(4)
LỜI CẦU NGUYỆN HỢP TÁC VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI
Kinh Thánh: Ês. 62:6; Êxc. 36:37; Phi-lê-môn 14
Nguyên Tắc Của Công Tác Đức Chúa Trời
Đức Chúa Trời hành động theo một số đường hướng nhất định và những nguyên tắc nhất định. Ngài không làm việc cách bừa bãi và cẩu thả. Ngài thà không hành động hơn là hành động trái với nguyên tắc của Ngài. Nếu muốn nhận được ơn phước của Ngài, chúng ta phải thỏa đáp những điều kiện để được Ngài ban phước.
Đức Chúa Trời vượt trên mọi nguyên tắc và qui luật. Nhưng Ngài thích đặt ra những nguyên tắc cho công tác của Ngài để cả Ngài lẫn con người đều hành động theo đúng những nguyên tắc đã ấn định ấy. Nguyên tắc của Đức Chúa Trời là ý muốn của Ngài.
Đức Chúa Trời không bao giờ hành động một mình. Ngài luôn luôn đặt ước muốn của mình vào lòng con cái Ngài để họ cầu nguyện cho điều đó. Evan Roberts nói rằng thứ tự tất cả các công tác của Đức Chúa Trời là:
Đức Chúa Trời có một ước ao.
Qua Thánh Linh, Ngài đặt ước ao ấy vào lòng con cái Ngài.
Con cái Đức Chúa Trời hướng ước ao ấy trở về với Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện.
Đức Chúa Trời thực hiện ước ao ấy.
Toàn bộ vấn đề bắt đầu với nỗi ước ao của Đức Chúa Trời. Qua Thánh Linh, Ngài đặt ước ao ấy vào lòng con cái Ngài để họ biết ước ao của lòng Ngài là gì. Sau đó con cái Ngài đưa ước ao ấy vào sự cầu nguyện và gởi lại cho Đức Chúa Trời. Kết quả là Đức Chúa Trời hành động để hoàn thành điều ấy theo nỗi ước ao của Ngài.
Ê-xê-chi-ên 36:37 nói: “Chúa là Đức Chúa Trời phán: Ta còn muốn nhà Israel cầu hỏi Ta, để Ta làm điều này cho họ: Ta sẽ làm cho họ thêm nhiều người như một bầy”. Đức Chúa Trời định rằng số người trong nhà Israel phải gia tăng. Đó là quyết định của Đức Chúa Trời và là điều Ngài sẽ làm. Đó là điểm thứ nhất và cũng là điểm thứ tư đã đề cập ở trên. Nhưng nhà Israel vẫn phải cầu hỏi Đức Chúa Trời. Mặc dầu Đức Chúa Trời quyết định làm cho số người của nhà Israel gia tăng, Ngài chỉ có thể hoàn thành điều đó sau khi nhà Israel cầu hỏi Ngài. Đó là nguyên tắc công tác của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời chỉ có ý muốn; Ngài không hành động. Ngài phải chờ đợi cho đến khi con cái Ngài cầu hỏi Ngài rồi Ngài sẽ hành động. Đức Chúa Trời không tìm cách kìm giữ lại một công việc nào của Ngài. Ngài đang chờ đợi con cái Ngài cầu hỏi Ngài trước khi Ngài hành động. Ngài vui lòng đặt chính mình dưới uy quyền lời cầu nguyện của con cái Ngài và bằng lòng chịu giới hạn bởi lời cầu nguyện của họ. Nếu họ không cầu nguyện, Ngài không thể hành động. Trải qua trên hai ngàn năm trăm năm, Đức Chúa Trời không gia tăng nhân số của nhà Israel vì không ai cầu hỏi Ngài làm điều đó.
Ê-sai 62:6 nói: “Giê-ru-sa-lem ơi, Ta đã chỉ định những người canh trên các tường thành ngươi; suốt ngày suốt đêm họ sẽ không bao giờ im lặng. Các ngươi là những người nhắc nhở Đức Giê-hô-va, đừng câm nín”. Đức Chúa Trời đã định Giê-ru-sa-lem là sự ngợi khen trên đất. Đó là nỗi ước ao của Ngài. Vì lý do ấy Ngài đã đặt những người canh để kêu lên với Ngài. Ngài bảo họ đừng yên tịnh và đừng cho Ngài nghỉ ngơi. Chúng ta nên cầu nguyện liên tục và đừng an nghỉ cho đến khi nào Đức Chúa Trời hoàn thành điều Ngài đã định. Lời cầu nguyện của chúng ta hoàn toàn quyết định việc thực hiện ý muốn Đức Chúa Trời.
Phi-lê-môn câu 14 chép: “Nhưng tôi không muốn làm gì mà không có ý của anh, để sự tốt lành của anh không phải do ép buộc nhưng do tình nguyện”.
Phao-lô đại diện cho Đức Chúa Trời, và Phi-lê-môn tượng trưng cho chúng ta. Phao-lô không muốn làm gì khi chưa biết ý của Phi-lê-môn. Đức Chúa Trời sẽ không làm gì khi không biết ý chúng ta. Ý muốn của Đức Chúa Trời bị giới hạn bởi chúng ta.
Lời Cầu Nguyện Là Đường Rầy
Của Ý Muốn Đức Chúa Trời
Ông Gordon Watts có lần nói ý muốn của Đức Chúa Trời giống như đầu máy xe lửa, còn lời cầu nguyện của chúng ta giống như đường rầy. Đầu máy mạnh mẽ, nhưng nó chỉ chạy được trên đường rầy. Ý muốn của Đức Chúa Trời đầy năng quyền nhưng cần lời cầu nguyện của chúng ta như đường rầy thì ý muốn ấy mới thành tựu. Đức Chúa Trời không làm việc một mình; Ngài phải chờ đợi ý muốn của con cái Ngài phù hợp với ý muốn Ngài rồi Ngài mới hành động. Có ba ý muốn trong vũ trụ này: ý muốn của Đức Chúa Trời, ý muốn của con người, và ý muốn của Sa-tan. Đức Chúa Trời không tự một mình mà loại bỏ ý muốn của Sa-tan. Ngài ao ước ý muốn của con người trở nên một với ý muốn của Ngài để xử lý ý muốn của Sa-tan. Lời cầu nguyện thuộc linh là lời nói ra ý muốn của Đức Chúa Trời. Thật vô dụng biết bao khi lời cầu nguyện chỉ nói lên ý riêng của một người! Lời cầu nguyện của chúng ta không thể thay đổi ý muốn của Đức Chúa Trời, mà chỉ bày tỏ ý muốn của Ngài mà thôi. Đức Chúa Trời là Đấng khởi đầu mọi sự; chúng ta chỉ là ống dẫn qua đó ý muốn Ngài có thể tuôn đổ. Đức Chúa Trời chỉ định và chúng ta vâng lời. Ngài khởi xướng và chúng ta đồng ý trong sự cầu nguyện. Chúng ta không thể ép buộc Đức Chúa Trời làm điều Ngài không muốn làm, nhưng chúng ta có thể ngăn Ngài làm điều Ngài muốn làm. Khi ý muốn của Đức Chúa Trời được đổi thành lời cầu nguyện của chúng ta, Ngài sẽ bắt đầu hành động. Mỗi một cuộc phục hưng đều đến từ sự cầu nguyện. Lời cầu nguyện của chúng ta không thể thay đổi được ý muốn của Đức Chúa Trời, mà chỉ nói lên ý muốn của Ngài. Không ai có thể điều khiển ý muốn của Đức Chúa Trời, và không ai có thể bắt Ngài làm điều Ngài không muốn.
Tuy nhiên những gì Ngài muốn làm có thể bị giới hạn bởi lời cầu nguyện của con người. Mặc dầu lễ Ngũ Tuần đã được Đức Chúa Trời nói tiên tri trong sách Giô-ên, nhưng cần phải có lời cầu nguyện của một trăm hai mươi người trước khi Ngài hoàn thành lời tiên tri ấy. Ý muốn của Đức Chúa Trời chỉ đạt đến mức độ mà lời cầu nguyện của chúng ta vươn tới. Vì vậy, chúng ta càng cầu nguyện xuyên suốt, ý muốn của Đức Chúa Trời càng được hoàn thành, và sự lừa dối của Sa-tan không thể xen vào. Chúng ta có thể ném lưới cầu nguyện “nhờ tất cả các loại cầu nguyện, khẩn nài mà cầu nguyện trong mọi lúc” (Êph. 6:18), để ý muốn của Đức Chúa Trời có thể thắng hơn trong mọi lãnh vực, và Sa-tan không tìm được một khe hở nào để xen vào. Trong lời cầu nguyện của mình, chúng ta nên chú ý đến ba điều: (1) chúng ta đang cầu nguyện với ai, (2) chúng ta đang cầu nguyện cho ai, và (3) chúng ta đang cầu nguyện nghịch lại ai. Tất cả những lời cầu nguyện của chúng ta nên làm thành ý muốn của Đức Chúa Trời, đem lại lợi ích cho người khác, và gây thiệt hại cho Sa-tan.
(Chiều ngày 23 tháng giêng)